ĐƯỜNG ĐI ĐỨC GIÊSU ĐÍCH THỰC LÀ AI? Đôi khi Đức Giê-su tỏ ra như người thô bạo giận dữ. Buổi sáng nọ, Ngài trở lại thành, đang cơn đói lại gặp ngay cây vải bên đường đầy lá mà chẳng có lấy một quả nào. Ngài buông lời chúc dữ: „Suốt đời mày sẽ chẳng có quả nào nữa“. Lập tức cây vả chết khô. Chuyện cây vả mang tính „điển hình“, có nghĩa là, đối với các tiên tri trong Is-ra-en xưa, đó là một dấu chỉ tiêu biểu. Trong trường hợp trên, cây vả biểu tượng cho dân Is-ra-en, và chính câu chuyện này đi liền với cuộc khổ nạn, trong đó cuộc vật lộn để chiếm lòng dân Is-ra-en đã đạt tới cao điểm của nó. Tuy nhiên cây vải không mang trái đã vượt ra khỏi vòng biểu tượng và trở thành thí dụ chung cho việc mang hoa kết trái. Đấy không phải là một cơn giận nhất thời, nhưng Đức Giê-su dùng cử chỉ biểu trưng đó để nói lên rằng, dân tộc nào, cộng đoàn nào, nhóm nào mà chỉ có sinh lá, chỉ nghĩ tới mình mà thôi, và chẳng tạo ra được gì để phục vụ kẻ khác, thì sẽ héo khô và chết. Có một loại Ki-tô giáo chỉ tạo ra lá và giấy má mà thôi, thứ đó cũng sẽ chết khô. Vì thế ta phải nhìn câu chuyện trên từ góc độ của Con Thiên Chúa, từ hàng ngàn năm trước Ngài đã cung cấp cho ta một viễn tượng tiêu biểu qua hình ảnh trên. Có lần Ngài trách móc cả thành, vì dân thành không chịu hối cải, chẳng hạn như: „Này ngươi, Ca-pha-na-um, ngươi bảo ngươi sẽ được cất lên trời ư? Không, ngươi sẽ bị tống xuống hoả ngục“. Ở đây, Ngài đang nói với một thành có cuộc sống quá vướng mắc, nơi mà theo Ngài lẽ ra phải có một cuộc sống đức tin gương mẫu. Ngài chứng nghiệm nơi đây tâm lí gần chùa gọi bụt bằng anh. Họ chẳng quan tâm thật sự gì tới Ngài cả, đức tin do đó đã không lớn lên được. Vì thế, cũng như các thành khác, thành này đã trở nên biểu tượng của toà phán xét, của thất bại, của hư mất. Rõ ràng ở đâu hay cộng đoàn nào từ chối Chúa, ở đó thế nào rồi cũng sẽ rơi vào số phận của Gô-mô-ra. Một xã hội trong đó con người xa rời Thiên Chúa hằng sống, cộng đoàn đó tự chặt đứt rễ xã hội tính của mình. Những số phần như thế hiện nay cũng đang xẩy ra. Ta chỉ cần nghĩ tới những xã hội vô thần, nghĩ tới những vấn nạn đang xẩy ra trong quá trình tan rã sau 50 năm sống dưới chủ nghĩa cộng sản nơi các quốc gia tiếp nối Liên-bang Sô-viết thì rõ. Các xã hội đánh mất Thiên Chúa đó quả thật đã giật sập chính nền tảng sống của họ. Ngay cả đối với Phê-rô, Đức Giê-su cũng tỏ ra vô cùng bực bội, nặng lời: „Hãy cút đi khỏi mắt ta, Sa-tan, anh muốn đưa ta vào bẩy“. Giê-su dành cho Phê-rô một mối thân tình đặc biệt, vì thế những lời như trên không có gì quá đáng. Nhìn qua phản ứng của Phê-rô ta cũng biết điều đó. Ông biết, mình đã làm sai hoàn toàn. Ở đây, ông muốn cản lại con đường thập giá của Thầy mình. Ông bảo với Thầy, thập giá không hợp với sứ mạng của Thầy, đó không thể là đích điểm kết thúc của Thầy, mà Thầy phải thành công cơ. Như thế, Phê-rô lặp lại chước cám dỗ nơi hoang địa mà chúng ta đã nói, cám dỗ về một đấng Messias được đưa lên lưng ngựa chính trị và phải thành công. Đó là một cám dỗ luôn xẩy ra trong muôn hình nhiều vẻ. Chẳng hạn như việc người ta muốn lập nên một xã hội lý tưởng bằng một Ki-tô giáo mác-xít: nhân loại sẽ được cứu độ, một khi họ có đủ tiền bạc và hàng hoá. Chính đây là điểm mà Đức Giê-su chống. Khi đưa ra mô hình đó, có thể nói Phê-rô đã khoác vào mình vai trò của Sa-tan trong hoang địa. Phê-rô hiểu điều đó; và ông hiểu rằng, dù cho tới cuối đời luôn phải vật lộn với bài toán thập giá khốn nạn và phải chống lại giải pháp thành công rất người kia, ông cũng phải học nét đặc biệt nơi Đức Giê-su. Đức Giê-su có ác cảm thật sự đối với một số người. Ngài gọi họ là „rắn độc“, là „lãnh tụ đui mù“. „Các ngươi sàng muỗi ra nhưng lại nuốt cả lạc đà“. „Này, những nhà thông luật và Pha-ri-sêu giả hình, hãy coi chừng. Các ngươi đóng bịt cửa không cho ai vào thiên đàng“. Quả thực, Đức Giê-su là người đấu tranh cho sự thật, cho sự nhất thống giữa nói và làm, giữa lời giảng và cuộc sống. Ngài kinh tởm đám thông luật: „Chúng buộc những gánh nặng và choàng lên cổ người khác, nhưng chính mình thì lại chẳng muốn đụng một ngón tay vào gánh nặng ấy“. Tôi tin Chúa cũng sỉ vả những người đạo đức giả với những lời đó. Nhìn từ góc độ Thiên Chúa thì những người này chống lại Đức Giê-su. Ngài coi những kẻ xem ra đạo đức và thông thái kia chỉ là những tay đóng kịch. Và ở đây, Ngài cũng lại nói cho những thế hệ về sau nghe. Ta biết, Luther đã dùng những lời trên để kết án chính hàng giáo phẩm công giáo. Dĩ nhiên, chúng ta không thể kết án một cách dễ dãi được như thế. Nhưng trên thực tế, tất cả những ai mang trách nhiệm rao giảng lời Chúa phải thức tỉnh với những lời đó, và phải luôn tự hỏi, có phải mình cũng thuộc vào những hạng trên không. Về chuyện này, có một tập sách nhỏ của giáo phụ Maximus Confessor, trong đó vị tu sĩ có một bài giảng thấm thía. Ngài bảo, những câu trên được nói cho chúng ta nhiều hơn là cho những người Pha-ri-sêu trước đây. So với họ, chúng ta còn tệ hơn, là vì ta nhận được ánh sáng nhiều hơn, trong khi vẫn sống trong trái ngược, nhỏ nhặt, giả dối. Còn những nhà thông luật, có thể nói họ biết từng chữ trong kinh sách, họ là những nhà chú giải, những chuyên viên Kinh Thánh, họ thuộc cả chỗ nào tiên tri nào nói gì. Nhưng đó là cái biết không có sức sống. Họ chỉ biết chẻ lời kinh sách ra thành những chi tiết và chẳng nhận ra sức sống trong đó nữa. Đó cũng là lời cảnh cáo cho những nhà chú giải chuyên môn. Dĩ nhiên họ biết mọi chuyện, nhưng Kinh Thánh của họ chỉ còn là một bộ xương, một vật thí nghiệm để họ có thể chiết phân. Với lối làm đó, họ đã đi ra quá xa sứ điệp chứa đựng trong đó. Trái lại, những kẻ đơn sơ lại nghe hiểu sứ điệp rõ hơn những đầu óc chất đầy kiến thức, nhưng lại mù và điếc với nội dung đích thực của Tin Mừng. Hẳn Đức Giê-su cũng là một người thiếu kiên nhẫn. Có lần Ngài lệnh cho trưởng tông đồ Phê-rô bước đi trên biển. Ngài gọi ông bước tới. Và Phê-rô tới. Ông bước ra khỏi thuyền và quả thật đi được trên mặt nước. Nhưng khi gió nổi lên mạnh, ông bắt đầu sợ và chìm. Đức Giê-su lắc đầu: „Cái anh yếu tin, tại sao anh hoài nghi?“ Ngài nói ra điều Phê-rô nghĩ trong đầu. Cũng giống như lần kia trời giông bão, các môn đồ thất vọng, vì thấy Thầy mình chẳng tỏ ra âu lo gì, ngay cả khi thuyền đã đầy nước. Và sau khi thức dậy cứu họ, Ngài bảo „Các anh yếu tin quá“. Đức Giê-su muốn để cho các môn đồ thật sự nhận ra mình, muốn để cho họ phải biết rằng, Ngài sẽ không để cho họ bị chìm. Ngài muốn cho họ thấy Ngài là ai, và cho thấy đức tin của họ vào Ngài còn quá yếu, đến chỉ một ngọn gió nhẹ cũng đủ thổi bay. Trong cảnh trên, Phê-rô không nhìn vào Đức Giê-su nữa, nhưng đôi mắt ông chỉ thấy những yếu tố trần thế. Dĩ nhiên, dựa theo tính toán xác xuất thì Phê-rô có thể sẽ chìm ngay khi bước xuống mặt nước. Nhưng ông đã liều mình, chỉ còn biết nghe theo tiếng gọi của Thầy. Với Ngài, trong Ngài và với nghị lực của mình, có thể nói Phê-rô cũng có thể bước qua được những yếu tố chết của trần thế. Đây cũng lại là một dụ ngôn có ý nghĩa thâm sâu. Nếu ta dựa vào yếu tố xác xuất của các biến cố thiên nhiên, và nhìn vào tất cả những gì có thể hiểu được, thì xem ra Ki-tô giáo quả vô cùng bấp bênh. Và nếu mắt ta chỉ dõi theo những gì là mốt, tai ta chỉ còn nghe gió thời thượng thổi, thì đức tin có thể sẽ chìm. Vì thế, có lẽ ta phải nói theo Phê-rô: Không thể như thế được nữa! Nếu ta làm thế, ta sẽ đánh mất neo cuộc sống, chiếc neo giúp ta chiến thắng trọng lực của sự chết, trọng lực của lịch sử và những bất khả thể của nó. Tin có nghĩa là chống lại lực hút kéo ta đi xuống. Tin có nghĩa là gắn bó với đấng có lực hút đối nghịch, lực đó kéo ta đi lên, giữ nâng ta, và dẫn ta vượt qua những yếu tố sự chết. Có lần, đang lúc rảo bước trong vùng dân ngoại, trong địa hạt hai thành Tyrus và Sidon, Đức Giê-su muốn nghỉ ngơi, nghỉ giảng và hết làm phép lạ. Cả khi một bà mẹ khẩn khoản nài van Ngài trừ thần xấu đang vùi dập đứa con gái bà, Ngài cũng đã xua đuổi thẳng thừng: „Tôi chỉ được sai tới giúp những con chiên lạc nhà Is-ra-en mà thôi“. Có một điều lạ trong đời Đức Giê-su, là chính Ngài không rao giảng cho dân ngoại. Chỉ sau khi sống lại, Ngài mới uỷ việc đó cho các môn đệ. Thoạt tiên, có thể nói, Is-ra-en được ưu tiên. Đó là dân riêng Chúa chọn, là điểm khởi đầu để Chúa hành động. Và Ngài đã đã giữ độc quyền cứu độ đó cho Is-ra-en. Trong cuộc đời tại thế, Đức Giê-su đã vật lộn với việc chiếm lòng dân này, Ngài chiến đấu để làm sao cho dân này nhận ra Ngài là người họ trông chờ, làm sao để họ kết hiệp với Ngài, để từ đó biến đổi thế giới. Cả Phao-lô ban đầu cũng giữ quy tắc đó. Bất cứ nơi đâu, ngài đều bắt đầu cuộc truyền giáo từ trong đền thờ. Cả khi tới Rô-ma, ngài tập hợp trước hết các người Do-thái. Chỉ khi thất bại trong việc nối kết lịch sử đức tin của Is-ra-en với Đức Giê-su, ngài mới bước ra với dân ngoại. Chính Phao-lô, người đã vượt qua nỗi sợ hãi khi bước vào nơi lạ, đã nói, sứ điệp trước hết luôn dành cho người Do-thái, sau đó mới đến dân ngoại. Nghĩa là có một quy luật về cứu độ. Thiên Chúa trung thành với luật đó, Đức Giê-su cũng không đi ra ngoài luật đó. Ngay cả khi Ngài biến đổi và làm mới luật lệ do-thái từ trong, Ngài cũng không đơn giản là một tay chống đối tự tung tự tác, nhưng đã vì trung thành mà hành động. Như vậy, sự trung thành của Thiên Chúa đã xoá đi cái ấn tượng phản bội trong việc bắt buộc phải bước ra với dân ngoại – và trái lại, cho thấy việc bước ra đó phù hợp với việc phục sinh của Ngài, qua đó cái chết của hạt lúa miến cuối cùng đã trở nên cái cao cả và mang ân lộc cho toàn thế giới. Đức Giê-su rảo khắp nước. Ngài cảnh báo về sự khiêm tốn và hối cải, dạy cầu nguyện, cảnh giác việc ham mê ăn uống và cứng lòng. Ngài kể dụ ngôn anh nghèo La-da-rô được vào thiên đàng, trong lúc ông nhà giàu trụy lạc phải xuống địa ngục – Ngài đúng là một nhà giảng đạo lang thang. Đúng Ngài là một nhà giảng đạo nay đây mai đó. Trước hết, Ngài giảng ở Ga-li-lê-a và cố gắng khuyến dụ dân ở đó. Rồi Ngài kéo dài địa điểm rao giảng tới Giê-ru-sa-lem. Ngài biết mình được sai tới cho dân Is-ra-en và muốn mang sứ điệp mới cho dân đó. Tâm điểm sứ điệp là Nước Chúa, là sự đổi mới thế gian nhờ vào lượng từ bi của Thiên Chúa. Các yếu tố riêng lẻ, mà anh nói tới, tất cả đều nằm trong viễn tượng lớn đó. Một mặt, Đức Giê-su sống trung thành với lịch sử cứu độ của Thiên Chúa, nhưng Ngài cũng tuân giữ cấu trúc chặt chẽ của Do-thái, cũng hành hương, cũng mừng lễ vượt qua. Ngài sống như một người Do-thái có niềm tin và sùng đạo. Và đồng thời cũng sống như một người con của Mai-sen mới, nhưng vượt cao hơn Mai-sen. Ngài giờ đây không cắt nghĩa luật như cách các thầy thông luật làm, nhưng như một người Con, và người Con này cũng chính là kẻ tạo ra luật và đã nâng mình lên một bậc mới cao hơn. Ngài là một kẻ phản kháng? Đức Giê-su chẳng chủ trương phóng khoáng hay phản kháng, chẳng chống lại cái này hay cái kia, chẳng tránh né mà cũng chẳng phải muốn từ chối, nhưng đó viễn tượng của đấng ra luật, của chính đấng Tạo hoá. Ngài muốn phá vỡ cái đang có để đưa vào cái chung cuộc, và chính trong khi thực hiện điều đó, Ngài đã làm gương cho ta về sự trung thành sâu xa. Tôi tin rằng, ta phải thấy sự hiện diện cùng lúc của trung thành và cái xem ra phản kháng đó, nếu ta muốn hiểu đúng con người Đức Giê-su. Ngài không bỏ đi cái đã qua – như Ngài đã nói: „Không một dấu chấm, dấu phẩy nào biến mất“ -, nhưng đã đưa mọi sự vào chiều sâu thẳm của chúng. Đức Giê-su đặc biệt tỏ ra vui vẻ với trẻ con và với tín hữu bình dân. Ngài đã hân hoan, một chuyện ít khi thấy: „Con ngợi khen Cha là vua trời đất, vì Cha đã dấu không cho những người thông thái biết những điều đó, nhưng đã mạc khải ra cho những kẻ bé mọn“. Vâng, đó là bí ẩn của việc làm Thiên Chúa: Những người đơn sơ thấy điều cao cả dễ dàng hơn những kẻ với đầu óc chất đầy kiến thức, chứa đầy khả năng phân tích, có thể nắm bắt những cái chi li, nhưng cái lớn lao thì chẳng còn khả năng nhận ra nữa. Đó không phải là việc loại trừ người trý thứchay kẻ thông hiểu kinh sách, nhưng là lời cảnh báo không nên đánh mất sự đơn sơ tâm hồn, mà hãy nhìn vào cái tâm điểm nền tảng của tổng thể, hãy gồng mình chấp nhận cái không thể chờ đợi. Rõ ràng chước cám dỗ trên thường thấy nơi người trí thức. Nếu nhìn lại lịch sử ý thứchệ trong thế kỷvừa qua, ta sẽ thấy người bình dân thường đã có những phán đoán đúng đắn hơn hạng trí thức. Hạng người sau cứ phân tích mãi, nhẫn nha bới tìm cây này bụi nọ - nhưng rừng trước mặt thì chẳng thấy. Đức Giê-su nói với môn đệ: „Anh chị em đã được ban cho khả năng nhận biết những bí ẩn của Nước Chúa. Những kẻ khác chỉ được nghe qua dụ ngôn mà thôi; bởi vì họ nhìn mà chẳng thấy, nghe mà chẳng hiểu. Đây là í nghiã của dụ ngôn: Lời Chúa là hạt giống“. Hẳn ngôn ngữ của Tin Mừng có cái gì đặc biệt. Mọi người trên trái đất, bất luận thuộc văn hoá hay thời đại nào, đều có thể hiểu Tin Mừng. Câu anh vừa nêu bắt nguồn từ tiên tri I-sai-a. Đức Giê-su đưa ra lời đe doạ phán xét đó trước cuộc sống bất kham của dân Is-ra-en. Với câu đó, Ngài muốn nói rằng, tất cả các ngươi đều được nghe chân lí đấy, nhưng rốt cuộc chân lí chỉ được Chúa mạc khải ra, để các ngươi không hiểu được nó.
|